Bé trai 3 tuổi ở Hà Nam bị bạo hành và nhốt vào tủ cấp đông đã được xuất viện. Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ không được phát hiện kịp? Xử lý cấp cứu ban đầu và theo dõi sức khỏe trẻ như thế nào cho đúng?
Chiều 15/8, sau 2 ngày xảy ra vụ việc cháu N.H.Đ. (SN 2019, trú tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) bị Nguyễn Trường Giang (SN 1997, trú tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân) bạo hành, sau đó cho vào tủ cấp đông đã được xuất viện.
Theo đó, vào đêm 13/8, bé Đ. được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng được chẩn đoán suy hô hấp, hạ thân nhiệt và có chấn thương vùng đầu mặt cổ. Ngay sau đó, các bác sĩ đã xử lý cấp cứu, tiến hành làm thêm các xét nghiệm để xác định tổn thương về sọ não, cột sống cổ… đồng thời hội chẩn các chuyên khoa chấn thương, ngoại thần kinh…

Lãnh đạo Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đây là trường hợp đầu tiên mà bệnh viện tiếp nhận trẻ bị nhốt vào tủ đông lạnh. Theo các bác sĩ, nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, nhiệt độ thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (nếu tủ bị đóng kín) có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Tương tự, BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, đánh giá hành vi cho trẻ nhỏ vào tủ cấp đông lạnh là cực kỳ nguy hiểm. Ngoài vấn đề thân nhiệt bị hạ, trẻ có nguy cơ thiếu oxy nghiêm trọng khi môi trường tủ lạnh kín, dẫn đến tử vong.
“Chỉ định hạ thân nhiệt chỉ thực hiện cho một số bệnh nhân mắc các bệnh lý, nhằm duy trì và hạn chế sự hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể trong lúc mổ như mổ tim. Việc hạ thân nhiệt này được chỉ huy và kiểm soát rất chặt chẽ, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ”, BS Đinh Tấn Phương cho biết thêm.
Vì vậy, khi phát hiện trẻ trong tủ cấp đông lạnh thì bước xử trí ban đầu rất quan trọng. Bác sĩ Phương khuyến cáo, trong trường hợp này, trẻ có nguy cơ thiếu oxy não, gây tổn thương nhiều cơ quan. Do đó cần đánh giá nhanh trẻ có bị ngưng tim, ngưng thở hay không để tiến hành sơ cứu, làm ấm cơ thể trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Dựa trên kết quả kiểm tra chức năng sống, chức năng thần kinh của trẻ trước khi xuất viện, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư lưu ý, trẻ cần được nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc người lạ. Bố mẹ nên thường xuyên ở bên cạnh trẻ động viên, tạo niềm vui và cảm giác an toàn cho trẻ để giảm tối đa các hoảng loạn, tổn thương về tinh thần. Đồng thời, tiếp tục theo dõi thêm các ảnh hưởng tâm lý của trẻ về sau.