Xây xẩm mặt mày là hiện tượng khiến người bệnh cảm thấy mất cân bằng, hoa mắt, chóng mặt và cảm giác như đang bị say sóng. Nếu không giữ thăng bằng, người bệnh có thể ngã.
Xây xẩm mặt mày thường xảy ra khi đột ngột thay đổi tư thế, chẳng hạn từ nằm sang ngồi hoặc từ ngồi đến đứng lên. Triệu chứng này thường kéo dài từ vài giây đến vài phút.
Tuy nhiên, nếu xây xẩm mặt mày khi đứng dậy xảy ra thường xuyên, cần cảnh báo về 5 bệnh lý nguy hiểm sau:
Hạ huyết áp tư thế
Đây có thể là dấu hiệu của chứng hạ huyết áp tư thế, xảy ra khi đột ngột thay đổi tư thế. Ngoài xây xẩm mặt mày, người bệnh cũng có thể gặp hoa mắt, buồn nôn, chóng mặt. Trong một số trường hợp, hạ huyết áp tư thế chỉ kéo dài vài giây nhưng cũng có thể gây ngất xỉu.
Bác sĩ chỉ rõ bệnh lý nguy hiểm khi choáng váng, xây xẩm mặt mày |
Thoái hóa đốt sống cổ
Ngồi sai tư thế trong thời gian dài có thể dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Người bệnh sẽ cảm thấy đau từ gáy lên đầu hoặc từ cổ đến vai. Ban đầu, chỉ cảm thấy choáng khi đứng dậy, nhưng nếu để lâu, có thể gây gián đoạn lưu thông máu và tê yếu tay.
Rối loạn tiền đình
Tiền đình giữ vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể. Rối loạn tiền đình thường xảy ra do áp lực, căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Rối loạn tiền đình có thể gây mất cân bằng và dẫn đến triệu chứng choáng. Người mắc bệnh này cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường.
Thiếu máu
Người bị thiếu máu có nguy cơ cao bị choáng khi đứng dậy quá nhanh. Khi đứng, máu từ chân cần chống lại trọng lực để đưa về tim.
Nếu đứng dậy quá nhanh, máu không đủ thời gian để trở về tim, làm giảm áp lực máu và lưu lượng máu đến não, gây choáng, buồn nôn, chóng mặt…
Bệnh tim mạch
Các bệnh lý về tim có thể gây choáng khi đứng dậy do ảnh hưởng đến cung cấp oxy và lưu thông máu cho não. Người mắc bệnh tim mạch cũng có thể gặp đổ mồ hôi, đau đầu, ù tai…
BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học Phóng xạ và U bướu quân đội)