Độ ẩm cao trong không khí có thể tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp, thuỷ đậu, sốt phát ban, sởi, rubella phát triển. Ngoài ra, giai đoạn giao mùa cũng là thời điểm cao điểm của một số bệnh lý hô hấp, khiến cho virus có thể gây suy hô hấp nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Các loại nấm mốc và vi nấm cũng phát triển mạnh mẽ trong điều kiện thời tiết ẩm, lan truyền trong không khí và có thể gây dị ứng, nhiễm trùng. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch yếu như người già và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn trong thời gian này.
Bệnh dễ mắc khi thời tiết ẩm
Bệnh thuỷ đậu thường xuất hiện với các nốt mụn nước trên cơ thể, gây ngứa khó chịu. Bệnh này không nguy hiểm nhưng cần điều trị đúng cách để tránh nhiễm trùng và sẹo. Bệnh sởi cũng thường bùng phát vào những ngày ẩm ướt, có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh sốt virus cũng phổ biến khi thời tiết chuyển mùa, gây ra sốt và có thể lây lan dễ dàng. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da, dị ứng hoặc tiêu chảy cũng có thể phát tán mạnh trong không khí ẩm.
Biện pháp phòng bệnh khi thời tiết ẩm
Để phòng bệnh trong mùa ẩm, cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hãy sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, giữ độ ẩm không khí ở mức 40-60%, hạn chế để không khí ẩm vào nhà, và vệ sinh thân thể thường xuyên.
Bổ sung dinh dưỡng cần thiết, duy trì sức khỏe và tập thể dục để nâng cao sức đề kháng. Người mắc bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc và liên hệ ngay cơ sở y tế khi cần thiết.
ĐD.Đỗ Thị Nhiên (Khoa Quốc tế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)